Triệu chứng điển hình của u xơ tử cung là đau bụng trước và sau kỳ kinh, mót tiểu, rối loạn kinh nguyệt, ra máu âm đạo bất thường.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Lệ, Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng, cho biết u xơ tử cung là u lành tính xuất phát từ cơ tử cung, phát triển theo thời gian với tốc độ khác nhau tùy từng bệnh nhân.
U có thể hình thành từ nhiều vị trí khác nhau trong tử cung. Ảnh: News.
U xơ tử cung có thể dao động về số lượng, có thể là một hoặc nhiều u, kích thước từ rất nhỏ đến rất lớn. Bệnh có thể gây ra các triệu chứng nhẹ, thoáng qua, thậm chí là không có gì, song khi khối u phát triển lớn đến một kích thước nhất định thường gây đau bụng (nhất là trước và trong thời kỳ hành kinh), mót tiểu, rối loạn kinh nguyệt, ra máu âm đạo bất thường.
U xơ tử cung có nhiều loại như u xơ dưới thanh mạc tử cung (mặt ngoài tử cung), trong cơ tử cung, dưới niêm mạc tử cung (mặt trong tử cung), u xơ cũng có thể nằm ở đáy, thân, eo hay cổ tử cung. Tùy theo vị trí của khối u xơ mà sẽ có những triệu chứng và các bước tiến triển khác nhau.
Theo bác sĩ Lệ, u xơ tử cung có thể được phát hiện qua khám bụng, khám vùng chậu và siêu âm đầu dò âm đạo, nội soi buồng tử cung. Hiện nay kỹ thuật soi buồng tử cung được áp dụng ngày càng nhiều trong chẩn đoán bệnh u xơ tử cung, cho phép bác sĩ nhìn thấy được lớp nội mạc buồng tử cung và có thể lấy một mẫu mô nhỏ để làm sinh thiết kiểm tra ung thư (nếu cần).
Nghiên cứu cho thấy u xơ tử cung là căn bệnh có tỷ lệ mắc lên tới 30% ở những phụ nữ từ 30 đến 50 tuổi, từ 70% đến 80% phụ nữ 50 tuổi trở lên có u xơ tử cung. Tại Việt Nam đây là căn bệnh thường gặp ở phụ nữ thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, đặc biệt là phụ nữ đã quan hệ tình dục. Vì vậy, bác sĩ khuyên chị em phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng để tầm soát và phát hiện sớm các bệnh lý phụ khoa. Đặc biệt khi có 4 triệu chứng điển hình của u xơ tử cung trên cần đến gặp bác sĩ ngay. Không nên vì tâm lý ngại ngần mà trì hoãn điều trị sẽ khiến khối u ngày càng to ra gây chèn ép gây nhiều phiền toái, thậm chí vô sinh.
Bác sĩ Lệ vừa điều trị cho một nữ bệnh nhân 30 tuổi với triệu chứng ra máu âm đạo kéo dài hơn một tháng kèm theo đi tiểu nhiều lần trong ngày (trên 20 lần) và táo bón. Sau khi thăm khám lâm sàng, siêu âm và nội soi tử cung, chị này được chẩn đoán có khối u xơ tử cung lớn ở mặt trước cơ tử cung có kích thước 15x14x13 cm. Với trường hợp này, bác sĩ chỉ định phẫu thuật bóc u xơ ngay. Khối u được lấy ra nặng 1,6 kg mà vẫn bảo tồn được tử cung cho bệnh nhân.
Nhiều bệnh nhân trẻ bị ung thư giai đoạn đầu nhưng sống bi quan sẽ nhanh tử vong hơn người lớn tuổi mà sống lạc quan. Bác sĩ Zee Ying Kiat, Trung tâm Ung thư Parkway Singapore, khuyên mọi người không nên xem ung thư là dấu chấm hết mà hãy nhìn nó với thái độ tích cực hơn, bởi thực tế đây là căn bệnh mạn tính hoàn toàn có thể kiểm soát hoặc chữa khỏi. Với sự tiến bộ không ngừng trong y học và công nghệ, rất nhiều loại ung thư trước đây không có thuốc chữa nhưng đến nay có thể điều trị khỏi.
Ảnh minh họa: Womenshealth.
Theo bác sĩ Zee, hiệu quả điều trị ung thư và thời lượng sống phụ thuộc rất nhiều vào thái độ sống của người bệnh. Nhiều bệnh nhân trẻ ung thư giai đoạn đầu nhưng sống bi quan sẽ nhanh tử vong hơn người lớn tuổi mà sống lạc quan.
Bác sĩ Zee nhìn nhận trên thực tế không dễ dàng để vượt qua cảm giác u uất khi hay tin mình bị ung thư, song với một số mẹo sau đây có thể giúp họ giảm stress và tăng "khả năng chiến đấu" trong cuộc chiến với ung thư.
Chia nhỏ cuộc sống theo từng ngày
Cố gắng gạt những lo toan về tương lai sang một bên, đừng miên man tự hỏi "Tôi sống được bao nhiêu năm nữa", bởi thực tế ngay cả bác sĩ cũng không thể biết rõ được điều này. Để đối diện với ung thư một cách nhẹ nhàng, hãy chia nhỏ cuộc sống của bạn ra theo từng ngày một, từ đó giúp bạn sử dụng mỗi ngày hiệu quả nhất. Học cách quản lý thời gian, nỗ lực vào những việc bạn có thể kiểm soát và bỏ qua những thứ bạn không thể. "Hãy sống như thể ngày mai vẫn là một bí ẩn, đừng đóng khuôn cuộc đời mình. Một ngày sống ý nghĩa còn hơn trăm năm ủ rũ", bác sĩ chia sẻ.
Học cách nói: “Không”
Quá trình điều trị ung thư dường như lấy đi cả sức lực thể chất và tinh thần của bệnh nhân. Vì vậy đừng bao giờ so sánh mình với quá khứ mà hãy học cách nhận ra giới hạn của bản thân và lịch sự từ chối những thứ bạn không có thời gian hay năng lượng để thực hiện.
Chẳng hạn như nếu bạn tiếp tục làm việc trong khi vẫn phải điều trị, hãy thông báo với sếp và đồng nghiệp về tình trạng sức khỏe của mình để họ điều chỉnh khối lượng công việc của bạn ở mức có thể xử lý được. Trong các tình huống khác, nếu bạn muốn được ở một mình trong khi điều trị hoặc những ngày nghỉ ngơi, hãy nói cho bạn bè và người thân biết để họ dành cho bạn không gian riêng.
Cân nhắc mục tiêu và những việc quan trọng
Hãy cân nhắc xem điều gì thực sự quan trọng để dành nhiều thời gian hơn cho những việc đó. Hãy luôn nhớ rằng sức khỏe của bạn có giới hạn, không nên cố quá sức mình.
Hãy thư giãn
Thư giãn giúp trẻ hóa cơ thể, tâm hồn và tinh thần. Mỗi người thích thư giãn một cách khác nhau, hãy tìm xem việc gì hấp dẫn bạn. Chẳng hạn như đọc sách, xem phim, đi chơi với bạn bè và người thân hay ngồi thiền... mỗi ngày đừng quên dành thời gian cho việc mà bạn thích. Thư giãn giúp ích rất nhiều trong quá trình hồi phục.
Mở lòng đón nhận sự giúp đỡ
Đừng cố gồng mình mà hãy nhận thức rằng bản thân cần sự giúp đỡ. Mở lòng đón nhận sự giúp đỡ của người khác là cách rất tốt để giải tỏa stress trong quá trình điều trị ung thư. Hãy để những người xung quanh thể hiện sự quan tâm đến bạn bằng cách cho họ biết bạn cần gì.
Cứ 5 bệnh nhân ung thư thanh quản thì 4 là nam, nguyên nhân chủ yếu do hút thuốc lá và uống rượu bia nhiều.
Người đàn ông gần 60 tuổi đến khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM vì khàn giọng, ho nhiều. Ông có tiền sử hàng chục năm hút thuốc lá, uống rượu bia. May mắn ung thư chưa di căn nên ông được bác sĩ chỉ định mổ cắt thanh quản bằng laser. Một tháng sau phẫu thuật, thanh quản của bệnh nhân phục hồi tốt, sức khỏe dần cải thiện.
Tiến sĩ Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM cho biết ung thư thanh quản là bệnh lý đứng thứ hai trong các loại ung thư về tai mũi họng. Loại ung thư này thường xảy ra ở nam giới trên 40 tuổi hút thuốc lá, uống rượu bia, tiếp xúc hóa chất, môi trường... Biểu hiện hay gặp là khàn tiếng, thay đổi giọng nói, sau đó khó thở, nổi hạch cổ...
Sau gần một tháng áp dụng phương pháp mới, BV Tai Mũi Họng đã thực hiện hơn 30 phẫu thuật cắt ung thư bằng laser cho bệnh nhân và đều thành công.
Sau gần một tháng triển khai phẫu thuật ung thư thanh quản bằng laser, BV TMH đã thực hiện trên hơn 30 bệnh nhân và đều thành công. Ảnh: T.P
Trước đây ung thư thanh quản được phẫu thuật bằng phương pháp mổ hở, rạch đường dài trên cổ để bóc tách khối u hoặc cắt toàn bộ thanh quản. Hiện việc mổ bằng laser giúp rút ngắn thời gian mổ còn 1/3, ít nguy cơ mất máu, thẩm mỹ hơn, giảm tỷ lệ tái phát, xử trí được nhiều trường hợp ung thư phức tạp. Chi phí mổ giảm một nửa, chỉ khoảng 10 triệu đồng, thời gian hồi phục nhanh hơn, hạn chế nguy cơ viêm phổi và bị câm sau phẫu thuật.
Bác sĩ Thủy khuyến cáo bệnh nhân khàn giọng trên 3 tuần nhưng không khỏi nên đi nội soi kiểm tra. Việc phát hiện sớm giúp tiên lượng phục hồi tốt. Mọi người, đặc biệt là nam giới nên có chế độ ăn uống lành mạnh, vận động hợp lý, không lạm dụng rượu bia, không hút thuốc lá.
Ông Văn 44 tuổi bị khàn tiếng nghĩ do viêm họng, tự uống thuốc song bệnh nặng hơn, đi khám thì phát hiện ung thư thanh quản giai đoạn 2-3.
Từ khi ông Văn bị khàn tiếng đến lúc phát hiện bệnh chỉ cách 4 tháng. Bác sĩ Nguyễn Tiến Hùng ở khoa Tai mũi họng Bệnh viện K (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân có u ở 2/3 dây thanh phải lan đến mép trước và u 1/3 dây thanh trái. Các bác sĩ hội chẩn đánh giá đây là ca bệnh khó, khối u đã ở giai đoạn 2-3, nếu mổ bóc u cần phải đảm bảo chức năng thở cũng như nói của bệnh nhân. Các bác sĩ quyết định nội soi cắt dây thanh quản bán phần cho bệnh nhân bằng laser thay vì mổ hở, nạo vét toàn bộ hạch ở cổ.
Bệnh nhân được mổ nội soi cắt dây thanh quản bán phần bằng laser. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Theo bác sĩ Hùng, với cách mổ hở, bác sĩ sẽ phải mở một đường ở cổ dài khoảng 10 cm, bệnh nhân có nguy cơ cao mất máu và dễ mất khả năng nói sau mổ. Mổ bằng laser, thời gian và chi phí đều giảm khoảng một nửa, bệnh nhân ít biến chứng, khả năng nói được sau mổ cao. Với bệnh nhân trên, các bác sĩ chờ kết quả giải phẫu để xem cần xạ trị và hóa trị bổ sung hay không.
Hiện tượng khàn tiếng gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới (trên 60%). Tuy nhiên, khàn tiếng ở nam giới thường nguy hiểm vì đây là dấu hiệu của ung thư thanh quản, đặc biệt ở nhóm người hút thuốc, uống rượu hoặc làm nghề độc hại. Ở Việt Nam, ung thư họng - thanh quản đứng thứ 6 trong 10 loại ung thư phổ biến nam giới.
Ung thư thanh quản hay gặp ở độ tuổi 45-70, trên 90% là nam giới. Nếu được phát hiện sớm, khả năng chữa khỏi rất cao. Tuy nhiên, tại nước ta hầu hết bệnh nhân đến viện muộn do chủ quan.
Bác sĩ khuyến cáo người bị khàn tiếng kéo dài trong 2 tuần mà không khỏi thì cần đi khám chuyên khoa tai mũi họng để được phát hiện bệnh và điều trị sớm. Ở giai đoạn nặng hơn, bệnh nhân bị mất tiếng, khó thở tăng dần, khó nuốt... do khối u lớn dần, chèn vào dây thanh quản. Nếu đau lan lên tai hoặc đau khi nuốt thức ăn là bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Ung thư tuyến tụy thường gây ra rất ít triệu chứng cho đến khi nó phát triển lan rộng và di căn. Nó được xếp vào top bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất.
Tại Việt Nam, ung thư tuyến tụy không nằm trong 10 loại ung thư phổ biến ở cả nam lẫn nữ. Tuy nhiên, nó lại là loại ung thư có tỷ lệ tử vong cao, bệnh thường được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn. Trên thế giới, ung thư tuyến tụy xếp thứ 7 trong số các bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất.
Trong số các loại ung thư, nguyên nhân dẫn đến ung thư tụy vẫn còn là điều bí ẩn với giới khoa học. Tuy nhiên, các chuyên gia đã xác nhận một số yếu tố nguy cơ. Theo Webmd, những yếu tố này hiện diện nhiều ở những người mắc ung thư tuyến tụy hơn so với những người không bị căn bệnh này.
Gene
5-10% người mắc ung thư tụy có yếu tố về tiền sử gia đình - một người thân của họ từng bị bệnh ung thư này. Theo các nhà khoa học, một vài gene khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhưng họ chưa định danh được nó.
Đái tháo đường
Những bệnh nhân đái tháo đường có thể không nhất thiết dễ bị ung thư tuyến tụy hơn, nhưng hai căn bệnh này có mối liên quan với nhau.
Thuốc lá
Hút thuốc lá là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tụy. Bạn càng hút nhiều, nguy cơ càng cao. 10 năm sau khi bỏ thuốc, nguy cơ này trở về bình thường như những người chưa bao giờ hút.
Béo phì và lười vận động
Trong một nghiên cứu với 88.000 y tá cho thấy những người thừa cân, béo phì (chỉ số BMI lớn hơn 30) dễ có nguy cơ bị ung thư tuyến tụy hơn. Những người thường xuyên vận động cũng giảm đến một nửa nguy cơ so với những người lười vận động.
Chế độ ăn
Chế độ ăn giàu chất béo và thịt (đặc biệt là thịt chế biến sẵn hay thịt xông khói) đã được chứng minh là có mối liên hệ với ung thư tuyến tụy trên động vật. Vì thế, một chế độ ăn giàu quả và rau xanh giúp giảm nguy cơ mắc căn bệnh ung thư nguy hiểm này. Dù vậy cũng có ý kiến cho rằng mối liên hệ giữa chế độ ăn và căn bệnh này chưa thực sự rõ ràng.
Lycopene và selen
Các nghiên cứu cho thấy hàm lượng các chất dinh dưỡng này ở những người mắc ung thư tụy rất thấp. Dù vậy, cũng không có bằng chứng rõ ràng cho thấy thiếu lycopene và selen có thể dẫn đến ung thư tụy. Chế độ ăn có thịt và các loại rau màu vàng hoặc đỏ có thể cung cấp đủ lượng lycopene và selen cần thiết cho cơ thể bạn.
Loại bỏ các yếu tố nguy cơ ung thư tuyến tụy sẽ không làm giảm hoàn toàn nguy cơ của bạn. Tuy nhiên, một chế độ ăn uống lành mạnh, cân nặng ở mức hợp lý, tập thể dục thường xuyên sẽ giúp sẽ cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ các vấn đề sức khỏe khác, trong đó có ung thư tụy.